Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2009

Thơ, nhà thơ, nghề thơ trong quan niệm của Hàn Mặc Tử

Thơ, nhà thơ, nghề thơ trong quan niệm của Hàn Mặc Tử


Hàn Mặc Tử (1912-1940) là nhà thơ độc đáo đến kỳ lạ và kinh dị. Một nhà thơ như vậy hẳn phải có một quan niệm đặc biệt về thơ và những gì liên quan đến thơ.

1. Về thơ

- Hàn Mặc Tử đã có một quan niệm rất khác thường (1)Trước hết, sự khác thường thể hiện ở chỗ “không giống Baudelaire lắm”, có nghĩa là có giống nhưng không giống hoàn toàn, vẫn có chỗ khác Baudelaire. Vậy, khác và giống về điểm gì?
Nếu Baudelaire lấy passion (2) làm cảm hứng cho thơ thì Thơ duyên đã thấm thía những tình cảm rất nồng rất say sưa “ngất đi vì khoái lạc”, bởi nó là “tinh lực của hồn, của máu” được “phát tiết” ra. Trong lúc đó, như ông đã nói tình cảm (enthousiaasme) là sự tinh lọc hồn nhiên không một chút gì bợn nhớ, tội lỗi”, còn “dục tình là cả một ham muốn ngoài điều răng của Đức Chúa Trời”. Ta hiểu điều ông nói, dục thì nghiêng về những ham mê bản năng, tinh cảm nghiêng về những rung động tinh thần rất thanh sạch. Có điều, với Budelaire, dục tình ấy và với Hàn Mặc Tử tình cảm ấy có chung một cấp độ rất cao: tột cùng, đỉnh điểm.
Nếu Budelaire cho “thơ chỉ là thơ” “không thể dung hòa khoa học hay luân lý”, “không thể lấy chân lý làm chủ đích được”, thì với Hàn Mặc Tử, “sở dĩ thơ văn được phong phú dồi dào phát triển hết cả anh hoa huyền bí và vượt lên những tầng biên giới tân kỳ mới lạ cũng nhờ khoa họa điểm xuyết. Còn luân lý tiêu chuẩn cho văn thơ, không có nó thì thơ văn chẳng ra cái mùi mẫn gì cả. Nếu để thơ văn tồn tại một mình, thơ sẽ lạc lẽo vô duyên, không có phong vị gì”-“văn thơ không phải bởi không mà có”
Phải chăng Hàn Mặc Tử muốn nhấn mạnh văn thơ bởi có mà có. Nhờ cái có thứ nhất mà cái có thứ hai thơ mới tồn tại, cái có thứ nhất ấy theo ông là Đức Chúa Trời.
- Đức Chuá Trời làm chân lý, làm tiêu chuẩn cho văn thơ “Đức Chúa Trời là “cái thơ trên cái thơ khác”.
Rõ ràng, như ông nói ý kiến của Budelaire là “trái ngược với lẽ tự nhiên”, trái ngược với trật tự vật chất-tinh thần, khách thể-chủ thể. Với Hàn Mặc Tử, chúng ta thấy, quan niệm thơ của ông thuận tự nhiên hơn: Đức Chúa Trời vừa là điểm xuất phát-cội nguồn, vừa là đích đi tới-tiêu chuẩn của thơ.
Điều quan trọng là “Đức Chúa Trời” với Hàn Mặc Tử, suy cho cùng, không còn nguyên vẹn là một khái niệm, một hình ảnh tôn giáo nữa, mà nó phải chăng là tạo hóa, cõi thế gian đầy trăng, hoa, hương… đã gắn bó gần gũi, chở che và an ủi đời ông?
Từ cái giống và cái khác Budelaire được ông phát biểu như trên và từ thơ của ông nữa, chúng ta thấy cụ thể hơn về quan niệm thơ của Hàn Mặc Tử.
Hàn Mặc Tử cho thơ từ “cõi tâm linh” thoát ra ngoài, mãnh liệt cuồn say, thơ “từ nội tâm vọt ra mà bay lên”, là “tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ ao ước trở lại Trời, nơi đã sống ngàn kiếp vô thủy vô chung với những hạnh phúc bất tuyệt”. Với ông thế giới tâm linh ấy “vô cùng, vô tận, vô ảnh, vô hình”, cho nên, vườn thơ ông “rộng rinh vô bờ bến”.
Xuân gấm đầu tiên giữa cõi đời
Mùi thơm ngây dại sóng con ngươi
Hay hoan hô lời cao như sấm:
-Vạn tuế, bay ơi! Nắng rợm trời!
(Xuân đầu tiên)
Hàn Mặc Tử cho thơ cần có nhạc và họa:
Ta sống mãi cùng trăng sao gấm vóc,
Trong nắng thơm, trong tiếng nhạc thần bay
(Trường thọ)
Thật “sáng láng, phương phi như một mùa xuân như ý”.
Hàn Mặc Tử cho thơ cần lãng mạng và siêu thoát:
Thơ bay rồi thơ bay…
Mau gò giai âm lại
Sớt bớt nghĩa đang say
(Điềm lạ)
Hàn Mặc Tử từng khẳng định: “Trí người đã dâng cao, thơ người dâng cao hơn nữa, thì ra người đang say sưa, đi trong mơ ước, trong huyền diệu, trong sáng láng và vượt khỏi ra ngoài hư linh”. Chính bởi vậy, có nhà phê bình nhận xét: “hơn hết cả thi hào trên thế giới, Hàn Mặc Tử phóng thoát cái bản năng loài người để mà ăn nhập vào với vũ trụ, để biến thành một hiện tượng của vũ trụ” (Trần Thanh Mai).
Hàn Mặc Tử cho thơ là “thánh ca” chiêm ngưỡng Đấng chí tôn-cõi thế gian-cuộc sống:
Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ
Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đấy ứ
Nguồn thiên liêng yêu chuộng mẹ Sầu Bi
Phượng trì! Phượng trì! Phượng trì!
(Thánh nữ đồng trinh Maria)

2. Về nhà thơ

Hàn Mặc Tử từng có quan niệm thơ “rất khác thường”, nên tất yếu có quan niệm thi sĩ “không phải là người thường mà là “người thơ phong vận như thơ ấy” ngoài “thiên thần và loài người ta, Đức Chúa Trời cho ra đời một loài thứ ba nữa: loài thi sĩ-loài này là những bông hoa rất quý và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mệnh thiên liêng: phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây nên, ca ngợi quyền phép của Người và trút vào linh hồn Người là những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho, rất ngoan sạch”, “phải đi khơi mạch thơ ở Đức Chúa Trời”.
Như vậy, nghệ sĩ đã được đặt tên được xưng danh thật sang trọng, thật khác thường: “loài thi sĩ”, “người thơ”, vị “khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo” để hưởng cái niềm vui hơn người đó là đã “ngất ngư trong khi nuốt hết khí vị thanh tao của mùa xuân ấm, của tất cả những lương thực thật ngon ngọt mỹ vị làm bằng hương báu, làm bằng nhạc thiên, làm bằng rượu say, làm bằng châu lệ của thế gian, nếm mãi chưa bưa - chưa ớn. Chưa hả hê chút nào”. Thế nhưng, ông đã nói rất đúng, có được cái niềm vui ấy, người thơ “phải trả bằng giá máu”, phải “rơi xuống cõi đời bơ vơ, bỡ ngỡ lạ lùng, không có lấy một người hiểu mình”. Thi sĩ đi tìm tri kỹ mãi mà vẫn kêu rên thảm thiết, bởi lẽ “không bao giờ tìm đặng”
Với Hàn Mặc Tử, “người” thơ là người sung sướng nhất bởi có năng lực, sự tinh nhạy, niềm si mê hơn người khác trong cản nhận những châu báu của thế gian do Đức Chúa Trời đem lại, cũng là ngừơi đau khổ nhất, bởi ham muốn tột bậc, ham muốn suốât đời tìm gặp người tri kỷ mà không bao giờ gặp hoàn toàn, không bao giờ được ôm trọn vẹn. Với Hàn Mặc Tử nếu thơ được làm bằng “hai mặt: lạc quan và bi quan thì “người thơ cũng vậy”, sung sướng tột cùng, đau khổ tột cùng, vượt lên trên thiên hạ, vượt ra ngoài hư linh. Cho nên, sung sướng và đau khổ là hai mặt của hạnh phúc được sáng tạo của nhà thơ.
Cũng chính vì vậy, với Hàn Mặc Tử, “người thơ” đã là xứ giả của trời và đất, là chất kết dính, là đường dây nối liền mối liên hệ giữa Đức Chúa Trời với thiên hạ.
Suy cho cùng, qua quan niệm về “người thơ đã nêu ở trên Hàn Mặc Tử cho ta rõ một mô hình thơ: Đức Chúa Trời-người thơ-người ta (cả và thiên hạ). Đức Chúa Trời , như đã nói ở trên, phải chăng là cuộc sống, và “người ta” chính là bạn đọc?
3. Về nghề thơ
“Hàn Mặc Tử nói: Làm thơ tức là điên” (Chế Lan Viên- Tựa Điêu tàn). Chúng ta hiểu với Hàn Mặc Tử điên đồng nghĩa với khác thường, phi thường mà trước tiên thuộc số mệnh, danh dự và thiên chức của người thơ, sau nữa, thuộc cơn đau sáng tạo.
Thơ là nghệ thuật thuộc phương thức trữ tình, chủ yếu bộc lộ thế giới nôi tâm của nhà thơ trước cuộc sống. Vì thế “thơ khởi phát tự lòng người” (Lê Quý Đôn) muốn làm thơ “hãy xúc động cho ngòi bút có thần” (Ngô Thì Nhậm). Như vậy, thơ là tiếng nói của tình cảm nhưng tình cảm phải đến độ cháy bỏng mới thành thơ. Hàn Mặc Tử tiếp tục khẳng định một cách “phi thường”, tiếp tục làm rõ độ cháy bỏng ấy của tình cảm khi nhà thơ cảm nhận và thể hiện của cuộc sống – khi làm thơ: ‘Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui buồn giận hờn đến gần đứt sự sống”, “Khi ngòi bút tôi đã thấm nhuần những ý nghĩ cao cường, truyền sang bởi điện tinh truyền của của trí tuệ, tôi phơi lên mảnh giấy thanh sạch này những tình cảm nóng ran, tràn trề và thơm lựng”, “Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng… nghĩa là tôi yếu đuối quá! Tôi bị cám dỗ, tôi phản bội lại tất cả những gì lòng mà tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật…Nghĩa là tôi đã mất trí, tôi phát điên… Tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú”. Nghĩa là:
Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút,
Mỗi vần thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
Như mê man chết điếng cả làn da.
( Rướm máu)
Quả thật, Hàn Mặc Tử đã dựng lại được quá trình đã làm thơ, một quá trình khó khăn phức tạp, căng thẳng, tràn đầy những cảm xúc và suy tư trái ngược, xô đẩy níu kéo, dằn co nhau-một sự thống nhất đầy mâu thuẫn giữa tình cảm và lý trí, giữa “chiêm bao và cõi thực” của nhà thơ. Đó là một quá trình, như có người nói “lên đồng”, “nhập thần” và như Hàn Mặc Tử nói: “phát điên”, “khóc”, ‘gào”, “rú”… của nhà thơ. Quá trình này càng mãnh liệt sâu sắc thì trang viết càng giàu chầt thơ. Như vậy, Hàn Mặc Tử hiểu rõ cơn đau-làm thơ, cơn đẻ ra những trạng thái kỳ lạ, tạo nên những xung đột chưa từng có, sự phi thường từ cái bình thường nhất.
Đã có biết bao nghệ sĩ viết về cơn đau sáng tạo của mình. Nhưng có thể nói, chưa một ai đau nổi đau này một cách cực điểm, quằn quại tâm hồn, vật vã thân xác-cái đau mang “tầm vũ trụ” như Hàn Mặc Tử. Nhà thơ đã từng bọc bạch: “như có ma lực vô song xô tôi đến bờ huyền diệu… không cầu nguyện nữa mà lòng tôi rực lên cảm hứng… ngoại cảnh đã xâm lấn xác thịt và linh hồn tôi. Bao nhiêu là tinh anh của non sông đều xông vào tôi rút hết tình tiết của tôi. Tôi có thể bảo đấy là một lối thần giao cách cảm-mà ngoại cảm hay thâm tâm đồng xáo động, bởi dây khoái lạc vô ngần. Và, có thể say mê đến điên dại bắt chước Lý Bạch… vồ trăng trên mặt nước”.
Với Hàn Mặc Tử, làm thơ, ấy là lúc thần trí thi sĩ thăng hoa, bay tản đi chỉ còn lại linh hồn trong “cõi mộng”, nơi “cực lạc giới”, nơi “suất thế gian”, để từ nơi ấy “toàn thân thi sĩ rung động như một sợiï đường tơ”. “Sợi đường thơ” ấy xuất hiện trong chiêm bao-cõi ảo mà rất thực. Bởi lúc ấy, như Hàn Mặc Tử đã nói “có ai nhìn thấy hai hàng nước mắt rưng rưng của tôi không?”.
Thế là ta đã rõ “chiêm bao rã rời trong khi ánh sáng sự thực rọi tới. Bây giờ, ngoại cảnh và nội tâm điều hòa rung lên những nhịp tiêu thiều thanh bai…” “nhịp tiêu thiều thanh bai” là thơ đó. Thơ đi ra từ “chiêm bao và sự thực”, vai trò của chiêm bao-vô thức, nơi lý trí của con người không kiểm soát được, trong khi làm thơ, với Hàn Mặc Tử quan trọng biết nhường nào. Không có vô thức, thơ ông không ra đời được, và, nếu có xuất hiện thì không còn là thơ như thơ ông mà ta đang có. Chính vì có cõi chiêm bao, thơ ông mới trở nên kỳ ảo: đi ra từ tâm linh, có nhạc và hoa, có lãng mạng và siêu thoát, có âm vọng thánh kinh.
Tóm lại thơ, người thơ, nghề thơ trong quan niệm của Hàn Mặc Tử, ở phương diện nào cũng đều là sự tiếp tục quan niệm mỹ học của Đông-Tây, xưa-nay. Thế nhưng “sự khác thường” trong quan niệm về thơ “không giống người thường” trong quan niệm về thơ, “tức là điên” trong quan niệm về làm thơ của Hàn Mặc Tử đã ở một cấp độ riêng, rất Hàn Mặc Tử; cấp độ tột cùng, đỉnh điểm, cấp độ vô biên, tuyệt đích. Cấp độ này đi ra từ ba biển lớn đầy giông bão của đời ông: bệnh tật, tình duyên và “cách mạng mà ông không tự biết là cách mạng” (Chế Lan Viên)

Chú thích:

(1) Từ đây nếu không có chú thích rõ thì những đoạn trích là của Hàn Mặc Tử, được lấy từ các bài văn xuôi như Thơ, Quan niệm thơ, Chiêm bao và sự thực… và một số bài thơ.
(2) Dục tình
Tác giả: Phan Quỳnh Nga;
Nguồn trích: Văn nghệ quân đội.- 1999.- Tháng 3 (2026);
KHPL: BĐ.04(91)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét