Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2009

Đọc "Đi tìm chân dung Hàn Mặc Tử" của Phạm Xuân Tuyển

Đọc "Đi tìm chân dung Hàn Mặc Tử" của Phạm Xuân Tuyển



Lê Hoài Lương


Sách in khổ lớn trên giấy trắng, đẹp, dày 450 trang, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành đầu năm 1998 này.

Tác giả Phạm Xuân Tuyển từng được bạn đọc biết đến từ những bài viết trên các báo, từ vai trò diễn giả trong những sinh hoạt ăn học về Hàn Mặc Tử - một tâm huyết hiếm có đối với nhà thơ tài hoa mệnh bạc mà vì nhiều lý do, cuộc đời và thi phẩm của ông còn nhiều khuất lấp hoặc được thêu dệt thành huyền thoại. Khởi đầu từ năm 1966, bị gián đoạn rồi thực sự làm lại từ năm 1986 đến khi quyển sách ra đời, tác giả có sự say mê và cuồng nhiệt của một "tín đồ" đi tìm chân dung Hàn Mặc Tử. Tự thân quyển sách đã nói lên những điều rất đáng ghi nhận:

1. Về tác giả Phạm Xuân Tuyển: Ông đã đi hầu khắp các tỉnh thành Nam, Trung, Bắc để gặp các nhà nghiên cứu. nhà văn, nhà thơ, những chứng nhân có ít nhiều liên quan hoặc hiểu biết về cuộc đời và thơ văn Hàn Mặc Tử để sưu tầm tư liệu, dù là chi tiết nhỏ nhặt nhất. Tác giả đã đọc hàng trăm quyển sách, bài báo viết về Hàn Mặc Tử, đã viết, thuyết trình, nói chuyện hàng chục lần trên nhiều diễn đàn, câu lạc bộ...Công sức ấy, tấm lòng ấy, trách nhiệm với văn học, với Hàn Mặc Tử, rất đáng trân trọng.

2. Về nội dung quyển sách: Trước hết, đó là tập hợp hơn hai chục bài viết của tác giả; những bài viết, nhạc, thơ của nhiều người được tác giả trích chọn nhằm bổ sung cho chân dung nhà thơ; hơn 200 bút tích, hình ảnh liên quan...Nội dung chủ yếu của cuốn sách là những tư liệu nhằm làm sáng tỏ cuộc đời và thi tài Hàn Mặc Tử. Đóng góp lớn nhất của tác giả là phát hiện người bạn cuối đời của Hàn - ông Nguyễn Văn Xê, người đồng bệnh và trực tiếp gần gũi chăm sóc nhà thơ 52 ngày ở trại phong Qui Hoà. Thiên hồi ký hết sức quý giá (Nhớ Hàn Mặc Tử) rọi sáng rất nhiều về tâm hồn, nhân cách nhà thơ ở những ngày đau khổ cực cùng rồi thanh thản dọn mình đi vào nước Chúa. Quyển sách cũng làm sáng tỏ nhiều về di hài nhà thơ từ mộ chôn ở Quy Hoà đến mộ cải táng ở Ghềnh Ráng. Những chú giải công phu về các địa danh ghi dấu ấn nhà thơ: Quảng Bình, Huế, Quảng Ngãi, Sài Gòn...đặc biệt là Bình Định với Quy Hòa, Ghềnh Ráng, Gò Bồi và Bình Thuận với Mũi Né, lầu ông Hoàng, bia đài...Rồi thân thế, tình cảm của những nữ lưu trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến cuộc đời và thi phẩm Hàn. Tác giả đã dày công tìm cách tiếp xúc, cố gắng rọi ánh chiếu những hình bóng giai nhân này lên trang viết của nhà thơ. Mọi chi tiết nhỏ nhặt đều được trân trọng ghi nhận. Đến như tờ giấy rửa tội lúc mới sinh (phép bí tích thanh tẩy của Luật dạo Thiên Chúa giáo) cũng được tác giả cất công đi tìm khi nhà thờ Tam Toà ở Đồng Hới, Quảng Bình qua bao bom đạn còn trơ cái gác chuông, cái giáo xứ ấy đã chuyển vào Hòa Khánh - Đà Nẵng và cái trang ghi ấy từ năm 1912 ! Vậy mà tìm được ! Ý nghĩa của cuộc tìm kiếm này thật bất ngờ: Lâu nay trên mọi sách vở, cả của người thân nhà thơ đều viết sai tên thánh. Đó là Phanxico chứ không phải Phêrô hay Pi-e. Tác giả cũng thẳng thắn tranh biện với những tác giả khác, cả những người rất danh tiếng trên văn đàn về các khía cạnh khá tế nhị, dĩ nhiên không phải lời phán quyết sau cùng (người duy nhất đầy đủ thẩm quyền để nói lời cuối cùng là...thời gian, và như vậy tức là không có lời nói thật cuối cùng trong văn chương - GS Hoàng Như Mai viết ở Lời đầu sách), những hữu ích nhất định. Hành trình của tác giả cũng làm thoáng hiện chân dung các bạn hữu nhà thơ: Trần Thanh Mại, Trần Thanh Địch, Quách Tấn, Bích Khê, Nguyễn Minh Vũ, Hoàng Diệp...Đó cũng là đóng góp của quyển sách.

Tuy nhiên, bên cạnh trái tim nóng bỏng nhiệt tình, khi làm sách Phạm Xuân Tuyển đã bộc lộ những điều hạn chế sau:

1. Thiếu khoa học: Quyển sách gộp những bài viết của tác giả in rải rác, các báo, tạp chí hoặc đọc ở đài phát thanh, ở các câu lạc bộ từ 1987 đến 1997. Nhiều chi tiết, vì là bài viết để đăng báo có thể lặp lại phần nào cho sáng tỏ thêm bài viết đó. Nhưng cứ bê tất cả vào một quyển sách sẽ dẫn tới tình trạng trùng lặp không cần thiết. Đó là những bài khá lan man về các mối quan hệu giữa Hàn Mặc Tử và 6 "xuân nữ", chuyên vở kịch "Quần tiên hội" được Đơn Dương viết tiếp, những chi tiết liên quan đến cuộc đời nhà thơ được lặp lại trong phần tranh biện với các tác giả khác...Cách làm này vừa tốn giấy mực vừa giảm mỹ cảm từ cuốn sách.

2. Thiếu chọn lọc: Dụng ý của tác giả là qui tập tư liệu nhưng không nhất thiết phải đưa vào sách toàn bộ những gì có trong tay. Hạn chế này bộc lộ khá rõ ở phần "phụ lục" dày đến 264 trang ! Hơn 100 bài thơ của ngần ấy tác giả viết về Hàn Mặc Tử mà hơn 3/4 số đó không đáng bắt bạn đọc tốn thời gian ! Phần nhạc chiếm đến 82 trang, từ bài Ave Maria, Hải Linh phổ thơ Hàn, bài "Hàn Mặc Tử" của Trần Thiện Thanh và vài bài khác, số còn lại không mấy người nghe (vì có ai hát đâu). Phần ảnh, tác giả công bố trên 75 trang đến 183 bức ảnh! Một rừng ảnh ! Số ảnh từ quyển sách biên khảo này đáng ghi vào Ghinét! Nhưng ta hãy binhg tĩnh xem thử giá trị những ảnh tư liệu này đến đâu ? Ngoài những tấm ảnh giâ đình, bạn bè, người yêu, ảnh mộ Hàn Mặc Tử và những nơi ghi dấu ấn khá sâu đậm trong cuộc đời và thơ Hàn: nhà thờ Tam Hòa, Ghềnh Ráng, Qui Hòa, Mũi Né, lầu Ông Hoàng...số còn lại, lại ghi dấu... Phạm Xuân Tuyển ! Ví như, tác giả đứng trước cổng ga Quy Nhơn mới toanh, hiện đại và chua rằng: "Nơi đây Hàn Mặc Tử thường được đưa đón mỗi khi ra về..."Vô thiên lủng những bức ảnh như thế mà người giàu tưởng tượng lắm cũng không thể có hình dung gì về Hàn !

Thật khó giải thích sự hiện diện những bài viết như: "Họp mặt bên bờ biển xanh", "Họp mặt CLB/ST/TV Quy Nhơn - Bình Định"...Những bài thơ làng nhàng, những bản nhạc không ai hát, những tin bài vớ vẩn, những tấm ảnh vô bổ chiếm đến hàng trăm trang, sao không thay bằng những bài thơ chọn lọc của Hàn, cái phần rất đáng nên có trong quyển sách và chính nó, chứ không phải ai khác, quyết định chân dung nhà thơ ?

3. Sự lên gân thái quá: Gặp cụ Từ Khương, bạn đồng nghiệp của Hàn thời làm việc ở Sở Địa chính, tác giả có thêm một số tư liệu nhưng khi nghe vợ chồng cụ bảo không thích thơ Hàn, tác giả đã "cố nén tiếng thở dài vì quá đau lòng cho Hàn Mặc Tử, 56 năm nằm dưới mộ lạnh mà thơ ông ở trần gian vẫn chưa được thương hiểu hết !" (trang 130). Xin miễn bình! Nếu chịu khó đọc hết, người đọc sẽ còn gặp nhiều vấn đề này.

4. Sự nhập vai: Vì quá yêu thương Hàn, tác giả đã lẫn lộn phần việc của nhà biên khảo sang sáng tác và ông đã nhập vai vào các nhân vật, Xin đơn cử một trường hợp: Thương Thương. Đây là người nữ cuối cùng (dù chưa một lần gặp mặt), gợi cảm hứng cho Hàn viết Cẩm Châu Duyên, Duyên kỳ ngộ, Quần tiên hội. Giờ bà cụ đang ở Pháp. Tác giả viết: "Tôi chắc chắn Thương Thương không sao tránh khỏi bùi ngùi xúc động khi một mình lặng lẽ đọc các câu thơ xuân tình trong kịch thơ Duyên kỳ ngộ (Tr.113), "Tôi chắc chắn nhà báo họ Trần không đè nén được xúc động..." (114), "Còn những nơi ở đây mà tôi chắc bà Thương Thương ghi đậm nét trong ký ức (vì có dân chần HMT đã đến) (115); "Thử hỏi một cô gái được chàng thi sĩ tài hoa viết cho mình những lá thư, tập thơ yêu đương nồng nàn làm sao không sung sướng (không chừng tự hào, kiêu hãnh nữa đó) (tr.121)v.v... và v.v....Thật liều lĩnh cho sự "nhập vai" trên ! Những sáng tác kiểu này chẳng làm Hàn lớn dẹp thêm chút nào cả. Cũng như kiểu "trữ tình ngoại đề", sau khi giới thiệu di tích lầu Ông Hoàng, tác giả "xin đề nghị chúng ta cùng hát vang bài "Hàn Mặc Tử"...rồi "chúng ta hãy vui lòng ngâm bốn câu thơ của bà Mai Đình..."(75). Sau đó tác giả tiếp tục đề nghị ngâm tám câu của Bích Khê rồi kết thúc bằng bài thơ 36 câu của Huyền Diệp Tử (Tr.76), cũng là chính tác giả với bút danh. Trời ơi, đừng làm vậy !

Kết luận: Quyển sách có nhiều tư liệu quý mà tác giả khổ công sưu tầm trong nhiều năm. Riêng chữ MẠC mà tác giả trích dẫn rất nhiều sách báo để chứng minh thì người khác cũng sẽ không thiếu cứ liệu kiểu ấy để gọi là MẶC. Theo chúng tôi, chỉ có một TỬ, dù là MẠC hay MẶC.

Dẫu sao, với số tư liệu phong phú đã có, nếu tác giả sắp xếp lại cho khoa học, mạnh dạn gạt bỏ những phần vô bổ thì đây sẽ là một quyển sách thực sự có giá trị./.

Nguồn trích: Bình Định nguyệt san.- 1998.- Số 5 (1.513);
KHPL: BĐ.04(91)
==================================

Hàn Mặc Tử



Quỳnh Dao


Hàn Mặc Tử là tác giả tập “Gái Quê” xuất bản từ hồi Octobre 1936. Một tập thơ phần nhiều tả những cảnh sắc nhà quê, cây tre, khóm lau, bờ cỏ, hay những phút yêu mong, nhớ của những cô gái quê.
Hồi tập thơ này xuất bản là hồi chúng tôi đang còn chủ trương tờ HA NOI Báo. Nhận được tập thơ ông, chúng tôi đã vui mừng giới thiệu ông-một thi sĩ mới-với độc giả, và nói rõ tính cách của tập thơ ông nó có cái phong vị mộc mạc, ngây thơ và thi vị.
Tuy cả tập GÁI QUÊ không phải bài nào cũng hay ngang bài nào, nhưng nhiều bài đủ tỏ rằng tác giả có một tâm hồn đa cảm lắm, một tâm hồn nồng nàn của thi nhân, và vì thế Hàn Mặc Tử đã ở trên nhiều những ông thợ thơ khác. Ta phải nói hẳn ngay Hàn Mặc Tử là một thi sĩ.
Bài mà chúng tôi thích nhất trong quyển GÁI QUÊ (hồi ấy có trích đăng lại ở Hanoi Bao) là bài TÌNH QUÊ mà bạn Quỳnh Dao cũng có trích ở đoạn đầu bài dưới này.
“Tình Quê” có một âm điệu như “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư. Đọc lên, ta nghe như tiếng gió rào rạt trong khóm tre một buổi chiều hôm, tiếng nghe văng vẳng buồn, một cái buồn nhè nhẹ.
Nhưng, đó mới chỉ là mấy vần thơ đầu. Sau này thơ của Hàn Mặc Tử còn “hứa hẹn” nhiều và đi qua từ Sáng-Tạo, sang Siêu-Việt và gần đây lại hơn nữa là Điên lúc Hàn Mặc Tử đau buồn quá.
Muốn độc giả rõ Hàn Mặc Tử hơn, tôi xin nhường lời cho thi sĩ Quỳnh Dao, người đã gặp Hàn Mặc Tử và đã sống những phút đầy đủ bên Hàn Mặc Tử.
Lê Tràng Kiều

Mùa hè năm 1937, tôi gặp Hàn Mặc Tử ở Quy Nhơn. Rất cảm động khi thấy một thân hình tiều tụy, như van lơn cầu khẩn một điều gì. Dù gặp lần đầu, mà đã thân nhau. Vì chúng tôi quen nhau đã lâu trong tập “Gái Quê”!
“Gái Quê”, tập thơ đầu của Hàn Mặc Tử, tuy chưa được hoàn toàn đặc sắc, nhưng đã chiếm một địa vị rất cao rồi. Lời đi nhẹ nhàng uyển chuyển như hơi may, đọc lên nghe ngọt đến đáy hồn, cho nên dễ nhớ. Trong đó, thỉnh thoảng chơi vơi một nổi buồn kín đáo.

Từ ấy anh ra đi
Bóng trăng vàng giải cát,
Cánh cô nhạn bơ vơ…
Liệng dưới trời xanh ngắt,
Từ ấy anh ra đi,
Tiếng dương cầm vắng bặt,
Dường tan trong đám sương,
Thoảng về nơi làng mạc…
(Nhớ Nhung)

Và đã mấy khi ta nghe một điệu nhạc hiền từ:
Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê
Gió chiều quên ngừng lại;
Giòng nước luôn trôi đi…
Ngàn lau đường đê mê.
Cách nhau ngàn vạn dặm,
Nhớ chi đến trăng thề
Dầu ai không mong đợi,
Dầu ai không lắng nghe
Tiếng buồn trong sương đục,
Tiếng hờn trong lũy tre,
Dưới trời thu man mác,
Bàng bạc khắp sơn khê.
Dầu ai trên bờ liễu,
Dầu ai dưới cành lê…
Với ngành xanh hờ hững,
Cố quên tình phu thê,
Trong khi nhìn mây nước
Lòng xuân cũng não nề…
(Tình quê)

Giữa hỗn tạp của thứ thơ Tây, Hàn Mặc Tử lần đầu tiên cho ta nghe một điệu nhạc ngọt ngào:
Kìa anh xem! Giải mây hờ trên đỉnh núi,
Buổi chiều hôm đã nhuộm một màu lam
Và trên không hàng cò trắng đương làm
Một bài thơ dài không vần điệu.
Bài thơ ấy xóa dần trong rặng liễu,
Mà chúng ta – thi sĩ – đương mơ say
Đương lặng nhìn hiện tượng của trời mây,
Lòng ta bổng xôn xao và nức nở.
Rồi tự nhiên âm thầm trong tiếng thở,
Lời ca ngâm vang dậy khắp đồi thông,
Khiến vi lau im lặng, suốâi không ngừng,
Không lay nữa cũng không thèm chảy nữa.
Chỉ ngây ngất lắng nghe lời mai mỉa
Những linh hồn vất vả vì yêu thương
Kìa anh xem! Cô gái đứng bên đường!
Mặc yếm thắm, dáng ngây thơ và bẽn lẽn;
Hái rau sam, nhưng xuân tình không thể nén
Trên làn môi ươn ướt như thèm duyên.
Mà chúng ta – thi sĩ – lặng triền miên
Đương tìm vần: trẻ, đẹp, non trong nếp áo.
(Hồn Thơ)

Đây, là một câu trả lời rất sâu cho phái cũ ghét thơ mới. Họ tưởng rằng thơ mới là một thứ thơ lởm chởm những đá sỏi, không âm điệu, không ý tứ, như hầu hết của những nhà lạm dụng chữ thi sĩ trước khi “Gái Quê” ra đời. Những nhà thơ non nớt ấy, vô ý gieo mầm họa lớn cho tính cách thơ mới, làm mất lòng tin cậy của người đi.
Buổi đầu, xuân trong lòng mới dậy, thi sĩ bồng bột lạ thường. Ai ngăn cản được những ý lẳng lơ, những lời hổn hển.
Từ gió xuân đi, gió hạ về
Anh thường gửi gắm mối tình quê.
Bên em mỗi lúc trên đường cái
Hóng mát cho lòng được thỏa thuê… Em có ngờ đâu trong những đêm
Trăng ngà giải bóng mặt hồ em
Anh đi thơ thẩn như ngây dại
Hứng lấy hương nồng trong áo em (Âm thầm)

Trăng nằm sóng soài trên ngành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi!…
Trong khóm vi lau rào rạt mãi
Tiếng lòng ai nói? Sao im đi!
Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe…
Vô tình để gió hôn lên má
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm.
Em sợ lang quân em biết được ,
Nghi ngờ tới cái tiết trinh em…
(Bẽn lẽn)

Hàn Mặc Tử khéo dùng những ý quê. Gió hôn trên má, với một nàng quê đã lấy làm bẽn lẽn. Ấy là nghệ thuật tinh vi!
Thế là ý tứ
Với tập “Gái Quê” Hàn Mặc Tử đã xứng đáng làm thi sĩ rồi!
Sao lại:
Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ
Em lấy chồng rồi hết ước mơ…
Đó chẳng qua thi sĩ hờn lẫy, trong chốc lát. Trời còn bắt anh làm thi sĩ mãi mãi, vì trời đã gieo trong người anh, sự nghiệp anh… một bài thơ!
Trời ơi! Trời bắt Hàn Mặc Tử làm thi sĩ rồi!
Đời anh càng lạ, lời thơ càng lạ hơn. Thơ anh lại bước sang thời kỳ sáng tạo!
Thời kỳ sáng tạo là cuộc cách mệnh trong thơ. Giữa lúc làm cho âm điệu ấy bằng phẳng rồi lại kêu vang lên, rồi lại bằng phẳng; ý tứ đi từ từ rồi lại lạ lùng quá, khiến ta phải để ý, ngừng lại để hưởng dư âm của hơi thở, cho lòng đi sâu vào để phân chất cái dụng công thi sĩ.
Thời kỳ sáng tạo làm cho thơ mới lạ hơn, làm cho thơ thoát sáo, một là về cách chọn chữ, hai là về cách đặt câu.

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hò reo…
Để nghe tơ liễu run trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu!
(Đalat trăng mờ)

Nào đâu tráng lệ một thời xanh,
Mai vị thơm tho của ái tình,
Đố kiếm cho ra trong lớp bụi,
Ít nhiều hơi hám của kiên trinh
(…)

Đã có khi nào có ước mơ
Rồi đây khai mạc cuộc đời thơ,
Bằng đêm hôm ấy êm như rót
Lời mật vào tai, ngọt sững sờ…
(Tối tân hôn)

Một buổi chiều gần lặn, ngồi trên bãi biển Quy Nhơn. Tôi thinh lặng nghe anh cầu khẩn những vị thiêng liêng!
Trời hỡi bao giờ tôi chết đi.
Bao giờ tôi hết được yêu - Vì!
Bao giờ mặt nhật tan thành máu,
Và khổ lòng tôi cứng tợ si!

Tôi hãy còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ xuống trời sâu!
Sao? Bóng phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ xuốâng lòng tôi những giọt châu!

Lòng tôi nao nao đi trong một ngọn gió buồn từ xa thổi lại. Tôi lẩm bẩn: “Hàn Mặc Tử là yêu Ma” Dưới mấy lá dừa biếc sắc, hơi đêm càng làm rõ những nét ghê rợn của người anh. Thốt nhiên anh nói:
-Thôi ta đi về, tôi biết về thì tiếc trời tiếc nước, tiếc bao nhiêu là thơ nhưng tôi không dám ngồi chờ cho sương xuống.
Tôi lẳng lặng đem anh về. Những nét xương dưới áo lụa Quy Nhơn phai màu, theo sức gió, nổi hằn lên mỗi khi anh đi qua một ngọn đèn. Anh đi thất thểu như một người điên, dưới cằm lâu ngày không cạo, với bộ mặt bạc nhược, tuy ít tuổi đã để ra vài sợi râu!
Và ngày mai, khi nắng lên là Hàn Mặc Tử không thể ra ngoài đường được. Anh yếu lắm, mẹ anh buồn, và thơ anh buồn…
Anh đã kể tôi nghe hầu hết những mẫu đời, tôi chỉ nói anh là một Nạn Nhân, thế thôi! Những việc riêng tôi muốn giữ kín để thơ anh được giữ kín những nhiệm mầu.
Lời thơ không đi theo sự dồi dào của thực tế, thì lời thơ chỉ tặng những người mang chung một điệu lòng! Người ngoài có ai ưa đâu, người ngoài bạc đãi. Trời hỡi! Bao giờ ai ai cũng biết yêu thơ như ta.
Nhiều khi anh như ngây dại, nhắm mắt đuổi một ngày đẹp đã qua…

Trăng đang nằm trên sóng cỏ
Cỏ đưa trăng đến bên ao,
Trăng lại đắm mình xuống nước,
Trăng nước đều ngủ với nhau!
Đôi ta bắt chước thì sao!

Đọc câu ấy, tự nhiên đầu ta cứ chuyển! Hay là ta say!
Thời kỳ siêu việt làm bài thơ huyền ảo hơn, sâu xa ngâm ngầm hơn… Ta phải đi vào đến đáy thơ lòng ta ớn lạnh!

Hãy van lơn ở dưới chân Bàn Thánh
Cho yêu ma muôn năm vùng trở dậy
Náo không gian cho lửa hồng bùng cháy,
Và để cho kinh động đến người tiên…
Đang say sưa ở thế giới ảo huyền
Đang trừng dởn ở bên sông Ngân biếc
Anh rõ trước, sẽ có ngày cách biệt,
Ngó tuy gần, song vẫn thiệt xa khơi
Lau mắt đi! Đừng cho lệ đầy vơi,
Hãy mường tượng một người thơ đang sống,
Đang im lìm lẻ loi trong giẫy động.
Cũng hình như em hỡi! Động Huyền không!
Mà đêm nghe, tiếng khóc, ở đáy lòng,
Ở trong phổi, trong tim, trong hồn nữa,
Em có nghĩ ra… một chiều vàng úa.
Lá trên cành héo hắt gió ngừng ru
Một khối tình nức nở giữa ám u,
Một hồn đau đã lần theo hương khói
Một bài thơ cháy tan trong nắng dọi,
Một lời run hoi hóp giữa không trung.

Anh càng đau đớn bao nhiêu thơ anh càng tha thiết. Rồi dần dà đem anh vào thế giới lạ hơn:
Điên:

Ha! Ha! Ta đuổi theo trăng!
Trăng bay lả tả ngả lên cánh vàng…
Tới đây, là nơi ta được gặp nàng,
Rủ rê, rủ rê hai đứa vào rừng hoang,
Ta lượm lá trăng làm chiếu trải,
Chúng ta kê đầu lên khối sao băng!
Chúng ta nói chuyện bằng hơi thở,
Đon đón hoa cỏ biến ra thơ,
Chúng ta lại là người của ước mơ,
Không xác thịt, chỉ có linh hồn đang mộng

Cách đây tám tháng tôi ghé Quy Nhơn thăm anh, vì có việc gấp tôi phải đi ngay, nên chỉ ngồi chơi với anh được chừng năm phút. Bệnh anh càng ngày nặng, nước da anh đã thay màu. Nhìn thấy một cảnh tưởng thê thảm nghèo nàn, tôi cảm động quá, cầm lấy tay anh. Một bàn tay đã viết ra bao nhiêu là ngà ngọc mà nay lại khô và thâm tím, một bàn tay (tôi biết lắm) không ai dám cầm tay, mà anh cũng không đưa cho ai cầm.
Tôi hứa với anh, sẽ trở lại sau khi đi Đà Lạt về. Nhưng mà khi về, anh không còn ở đó nữa. Theo lời Chế Lan Viên thì mẹ anh không muốn cho anh trông thấy chúng tôi, không muốn cho anh trông thấy những cảnh ngoài xinh quá, sợ lòng anh lại chua chát thêm. Anh đã bị đưa vào một chổ vắng, một gian nhà có ít người qua, gần mé núi. Thường ngày chỉ có người đem cơm và thuốc uống. Cái nhà ấy bọn chăn trâu gọi là nhà “thằng ốm”! Biết đâu trong ấy lại chứa một hồn thơ thơm lắm.
Cảnh tình, nghèo ngặt, những người yêu anh thì cũng gần một số phận. Duy chỉ có anh Quách Tấn ở Nha Trang thường vẫn để tâm tới.
Tôi thường được tin anh, nên biết cả ngày cả đêm, công việc của anh chỉ có:
Ăn, ngủ, rên, khóc, ngâm thơ và… cầu nguyện.
Hãy mường tượng một người thơ đang sống
Được im lìm lẻ loi trong giãy động,
Cũng hình như em hỡi1 Động Huyền Không!
Mà đêm nghe tiếng khóc ở đáy lòng,
Ở trong phổi, trong tim, trong hồn nữa.

À té ra, một lời thơ năm xưa, mà nay thành sự thật.


Nguồn trích: Văn phẩm Quỳnh Dao.- H.; 1999 (2033);
KHPL: BĐ.04(91)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét